Tin tức

Những yếu tố nào có thể làm tăng giá bất động sản trong thời gian tới?

  Thứ năm, 09/05/2019

1. Điện, xăng tăng tác động tới chi phí đầu vào BĐS như vật liệu xây dựng, nhân công khiến giá BĐS tăng

 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh tại diễn đàn về BĐS mới đây: “Quý 1/2019 đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện sẽ tác động đến giá đầu vào của BĐS, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo. Điều này khiến giá BĐS khó giảm.

Quả thực, ngay sau khi Bộ Công Thương công bố điều chỉnh tăng giá điện với mức tăng 8,36%, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) cũng công bố mức giá bán mới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng thép thô của Việt Nam đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu xây dựng tăng. Theo đó, thép cán ước đạt 430.000 tấn, tăng 3,38%; thép thanh, thép góc ước đạt 391.700 tấn, tăng 36,42%. Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng sắt thép thô đạt 3,295 triệu tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong nước, giá thép xây dựng cũng đã tăng giá 3 đợt liên tiếp với mức tăng phổ biến từ 550.000 - 650.000 đồng/tấn.

Giá các mặt hàng gạch, cát xây dựng cũng tăng giá 5 - 7% so với cuối năm trước.

Những yếu tố đầu vào như vật liệu xây dựng, giá nhân công sẽ tác động đến giá bán ra của BĐS. Tuy vậy theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực giúp cho thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, như: Nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao; ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam giúp cho thị trường BĐS công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, kèm theo là các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển…

2. Nguồn cung mới khan hiếm, giá BĐS ở các phân khúc sẽ tăng

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2018, nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt. Tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đạt 175.000 sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm 2017, tổng lượng giao dịch thành công đạt 113.000 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt 90%.

 

Tuy nhiên, thị trường bất động sản quý I/2019 có chiều hướng chững lại. Tổng nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại thị trường bất động sản Tp.HCM còn giảm mạnh hơn, chỉ có hơn 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.

 

3. Tìm quỹ đất làm dự án khó khăn, liệu giá BĐS có tăng?

 

Các DN BĐS thừa nhận, với giá đất tăng cao trong vòng 2-3 năm vừa qua đã khiến cho việc tìm kiếm, tiếp cận quỹ đất không còn dễ dàng như trước.

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS đó là: Hoạt động mở rộng quỹ đất của DN BĐS vẫn âm thầm diễn ra, tuy nhiên xét về quy mô, mức độ có phần giảm so với những năm về trước, sự cạnh tranh quỹ đất cũng diễn ra gay gắt hơn. Với cơn khát quỹ đất trung tâm, nhiều DN đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm quỹ đất ra vùng ven hoặc các tỉnh thành lân cận nhằm mở rộng địa bàn phát triển dự án.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng: Khi đất đai tăng giá thì việc chuẩn bị quỹ đất của DN sẽ gặp khó khăn vì chi phí đầu vào tăng và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. "Khi giá đất tăng thì giá bán sản phẩm BĐS chắc chắn bị ảnh hưởng. Theo đó, thời gian tới, giá bán các dự án sẽ điều chỉnh theo hướng tăng", ông Phúc khẳng định.

Ông Huỳnh Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc L&L Group cũng khẳng định: Giá bán BĐS trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng ở mức 10-15% so với mặt bằng chung hiện tại. Do chi phí quỹ đất tăng nên các dự án trung cấp – bình dân sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, có thể tăng mạnh trong giai đoạn sắp tới.

Nguồn: cafef.vn

 

 
 

Những tin liên quan