Dự án
Quảng Ngãi cùng lúc xây dựng ba công trình mang tầm nhìn dài hạn
Việc cùng lúc xây dựng ba công trình cầu Cửa Đại, đập dâng sông Trà Khúc và tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh thể hiện tầm nhìn của Quảng Ngãi về quy hoạch hướng sông và mở rộng không gian về phía biển, đưa Quảng Ngãi đứng ngang hàng với các đô thị du lịch phát triển.
Đánh thức tiềm năng biển
Dự án mở màn cho những ý tưởng táo bạo phát triển TP. Quảng Ngãi về phía biển chính là công trình cầu Cửa Đại. Đây là công trình kết nối, góp phần hoàn thiện tuyến ven biển Việt Nam. Với tỉnh Quảng Ngãi, cầu Cửa Đại không chỉ đơn thuần là công trình mang chức năng giao thông, mà còn là điểm nhấn quan trọng trong công tác lập quy hoạch hai bên Nam – Bắc sông Trà Khúc. Khi dự án này kết nối hoàn chỉnh tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các lĩnh vực như du lịch, bất động sản và đô thị biển liên kết.
Theo Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Quảng Ngãi, ông Hà Hoàng Việt Phương, tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh phía Bắc từ Khu kinh tế Dung Quất (giáp với Chu Lai, Quảng Nam) đến Mỹ Khê đã được đầu tư hoàn thiện, phát huy tác dụng và thu hút được các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Ngãi. Đoạn tuyến phía Nam từ Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đến Sa Huỳnh (Đức Phổ) đang là tuyến liên tỉnh cấp phối. Để khai thông tuyến huyết mạch này, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2, với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.
Tiến độ được HĐND quy định đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Có thể hình dung ra chuỗi đô thị ven biển của Quảng Ngãi chạy dọc về phía Nam theo tuyến ven biển là Mộ Đức, Đức Phổ, Sa Huỳnh, “chuỗi ngọc trai” này sẽ nâng tầm một Quảng Ngãi đang hướng đến tập trung cho lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Không những vậy, tuyến ven biển này sẽ chia sẻ phương tiện với Quốc lộ 1, là tuyến cứu hộ cứu nạn khi huyết mạch Quốc lộ 1A bị chia cắt, đồng thời, mở ra mặt tiền biển khoáng đạt, đầy hấp dẫn và tiềm năng.
Thắp sáng đảo ngọc
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Ngãi lần thứ XIX tiếp tục đề ra chủ trương “chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ”, hạng mục đập dâng sông Trà Khúc là một trong những dự án của tổng thể của dự án này. Mục tiêu của dự án khá rõ ràng, cụ thể và mang tầm nhìn chiến lược, đó là đảm bảo nguồn nước dâng hợp lý cho đoạn sông đi qua TP. Quảng Ngãi để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường khí hậu, khai thác quỹ đất tại Đảo Ngọc nhằm phát triển đô thị mới hiện đại, làm cầu nối hai bên sông với Đảo Ngọc, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, bổ sung nguồn nước ngầm, ứng phó biến đổi khí hậu…
“Qua các bước chuẩn bị kỹ càng, ghi nhận và điều chỉnh hợp lý các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước, thực hiện các thủ tục đầu tư đúng pháp luật, tới đây, dự án này sẽ được khởi công xây dựng, đánh dấu cho sự kiện 30 năm trưởng thành của Quảng Ngãi”, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết.
Tầm nhìn quy hoạch
Chúng tôi đem 3 dự án trọng điểm này của Quảng Ngãi hỏi một số chuyên gia quy hoạch, nhà đầu tư chiến lược ở một số địa phương để có cái nhìn khách quan về nhận diện tiềm năng của Quảng Ngãi từ vai trò của các dự án này. Có những ý kiến mang tầm định hướng, gợi mở, lại có những ý tưởng táo bạo về triển khai các công việc tiếp theo để khai thác tiềm năng và lợi thế của Quảng Ngãi, nhưng nhìn chung đều đánh giá cao tầm nhìn quy hoạch của Quảng Ngãi.
“Sự phát triển của một địa phương cần có tư duy đột phá và hành động thiết thực. Những dự án, công trình mang tính kích hoạt tiềm năng và tạo sự lan tỏa là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, sau khi đã định hình rõ nét con đường hành động cho các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ… thì cần đến lĩnh vực then chốt để các lĩnh vực này được đầu tư phát triển, đó chính là hạ tầng. Do đó, 3 dự án trên của Quảng Ngãi là rất cần thiết”, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Trong khi đó, một thành viên khác trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là TS. Trần Du Lịch thì cho rằng, miền Trung phải xây dựng chiến lược kinh tế hướng về mặt tiền biển. Đối với Quảng Ngãi, lâu nay lĩnh vực kinh tế này bị hạn chế do hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Việc đầu tư cầu Cửa Đại và tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh sẽ là điều kiện cần và đủ cho Quảng Ngãi tạo ra những cú hích lan tỏa từ việc khai thác bất động sản ven biển.
Nguồn: baodautu.vn