Dự án

Những dự án đột phá bước phát triển mới

Cuối tháng 3 này, hàng loạt các dự án, công trình chính thức được triển khai với kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị Đà Nẵng sau 44 năm Ngày giải phóng (29-3-1975 - 29-3-2019). Đây không chỉ là kết quả của quá trình nỗ lực kêu gọi đầu tư của thành phố mà còn là tiền đề cho bước phát triển lên tầm cao mới của thành phố bên bờ sông Hàn.  

Dự án điểm nhấn đầu tiên là Mikazuki Spa & Hotel Resort (Khu du lịch Xuân Thiều) với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, tổng diện tích 12,2ha, nằm bên bãi biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Dự án do Công ty TNHH MTV Thiết kế kiến trúc Raymond Việt Nam - Nhật Bản thiết kế với quy mô khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, cao 19 tầng, mật độ xây dựng 25%, gồm 464 phòng lưu trú, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phục vụ khoảng 6.000 khách/ngày và khu nhà hàng, hội nghị, khu công viên nước, công viên trò chơi, khu ẩm thực, bãi đỗ xe…

Ông Yoshimune Odaka, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mikazuki bày tỏ: “Đối với các nhà đầu tư như chúng tôi, thành phố Đà Nẵng được biết đến như là một đô thị năng động, một thành phố đáng sống của Việt Nam. Đà Nẵng không chỉ gây ấn tượng với hình ảnh năng động, luôn căng tràn sức sống mà nơi đây còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là cơ hội cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, Tập đoàn Mikazuki đã quyết định chọn Đà Nẵng để triển khai dự án mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều với mong muốn góp phần giúp thành phố Đà Nẵng có thêm một điểm nhấn tuyệt vời về du lịch. Chúng tôi xem Đà Nẵng là điểm đầu tiên trong hành trình quảng bá văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Tập đoàn chúng tôi cũng rất trân trọng việc tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền Đà Nẵng để chúng tôi sớm thực hiện dự án này”.

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Ngay khi có thông tin dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort triển khai trên địa bàn quận, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường khẩn trương hoàn tất mọi công tác liên quan đến dự án. Tới thời điểm này, việc giải tỏa mặt bằng đã hoàn thành, hạ tầng giao thông khu vực xung quanh dự án được xây dựng và sẵn sàng cho nhà đầu tư khởi công vào ngày 28-3. Có thể nói, dự án này là “điểm nhấn” thúc đẩy không gian đô thị khu vực tây bắc, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là dự án mang tính động lực được người dân quan tâm và trông chờ triển khai từ rất lâu. Do đó, về phía UBND quận Liên Chiểu, chúng tôi hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để giải quyết những vướng mắc hay yêu cầu từ nhà đầu tư”.

Theo kế hoạch, sáng 29-3, tại Khu Công nghệ cao sẽ diễn ra lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy (UAC - Mỹ) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, được triển khai qua 2 giai đoạn trên tổng diện tích gần 17ha tại Khu Công nghệ cao.

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, mục tiêu của dự án này là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite. Dự án có quy mô tầm trung, nhưng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận thành phố trong thời gian qua, bởi đây là dự án tiên phong trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay tại Đà Nẵng. Hơn nữa, sự có mặt của nhà máy Sunshine được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thành phố phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thu hút thêm các nhà đầu tư nằm trong mạng lưới chuỗi cung ứng của UAC. Dự án nhà máy Sunshine được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 26-2 vừa qua.

Ông Kevin Loebbaka, Tổng Giám đốc điều hành UAC chia sẻ: “Quá trình làm thủ tục đầu tư tại Đà Nẵng trôi chảy và hiệu quả. Trong buổi trao đổi với lãnh đạo thành phố vào đầu tháng 3, chúng tôi đánh giá cao sự thân thiện, cởi mở của chính quyền thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài. UAC muốn biến Đà Nẵng thành “cứ điểm” sản xuất các sản phẩm liên quan đến linh kiện hàng không. Trong quá trình hoạt động tại Đà Nẵng, chúng tôi cam kết thực hiện 3 yếu tố: bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, an toàn lao động, phát triển các nhà cung cấp và nhà sản xuất địa phương”.

Từ tháng 2, UAC đã bắt đầu tuyển dụng các vị trí nhân viên công nghệ thông tin, kỹ sư bảo trì, kỹ sư vận hành, lập trình công nghệ cao, tự động hóa, trợ lý tổng giám đốc… Dự kiến trong giai đoạn 2019-2020, dự án sẽ thu hút khoảng 1.700-2.000 lao động. Trong thời gian tới, UAC sẽ thiết lập các quan hệ hợp tác với Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng... để đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực. Ông Kevin Loebbaka khẳng định, sẽ giới thiệu môi trường đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với các đối tác của UAC tại nước ngoài như Boeing, Airbus…

Cũng trong ngày 29-3, dự kiến tuyến đường số 5 khớp nối Khu Công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) với Khu Công nghệ cao, các tuyến đường Vành đai phía tây thành phố và tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài sẽ chính thức được thông tuyến.

Ông Tsuyoshi Ando, Chủ tịch Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao) cho hay, đây là công trình được các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao kỳ vọng từ lâu. Với tuyến đường số 5, người lao động tại các doanh nghiệp ở khu vực này sẽ không phải đi trên tuyến đường tránh Nam Hải Vân, bảo đảm an toàn giao thông. Dự kiến cuối quý 2-2019, thành phố sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt R-14 đi từ trung tâm thành phố đến Khu Công nghệ cao và Khu CNTT Đà Nẵng.

Trong dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng thành phố, cũng diễn ra lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án Khu CNTT Đà Nẵng. Tọa lạc trên vành đai phát triển kinh tế tây bắc, cách trung tâm thành phố 20 phút đi ô-tô, từ đây có thể dễ dàng tiếp cận các khu trung tâm hành chính, kinh tế, sân bay, cảng biển, trường đại học và các điểm du lịch địa phương qua các tuyến đường như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, ĐT602....

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng cho biết, Khu CNTT Đà Nẵng được định hướng trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á, được đầu tư xây dựng theo mô hình thung lũng Silicon (Mỹ) và Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc). Khu CNTT Đà Nẵng có tổng diện tích 341ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, dự án đặt ra mục tiêu thu hút các công ty lớn, vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ cao, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD/năm và khả năng tuyển dụng 25.000 lao động, trong đó có các nhà khoa học, kỹ sư, các chuyên gia về công nghệ trong và ngoài nước. Tại thời điểm hiện tại, các công ty lớn như IBM, Cisco, Intel, KDDI, Mitsui và một số công ty CNTT của Nhật, Mỹ, Singapore bày tỏ quan tâm đến đầu tư tại Đà Nẵng nói chung và Khu CNTT thành phố nói riêng.

Tính đến nay, Khu CNTT Đà Nẵng đã hoàn thành đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, nguồn điện, nguồn nước, hệ thống CNTT và truyền thông. Dự kiến sau khi hoàn tất 2 giai đoạn, Khu CNTT Đà Nẵng sẽ có các khu chức năng như: phân khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT; phân khu nghiên cứu - phát triển, tư vấn, đào tạo, vườn ươm; phân khu văn phòng, trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý điều hành kết hợp trưng bày, hội chợ, triển lãm; phân khu nhà ở phục vụ chuyên gia; phân khu chức năng khác cung cấp các dịch vụ; phân khu sinh thái và phục vụ dân sinh; giao thông, sân bãi đậu xe, mương kỹ thuật; phân khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và trường mẫu giáo.

Hiện Khu CNTT Đà Nẵng đang xúc tiến để trở thành Khu CNTT tập trung, giúp các doanh nghiệp đầu tư vào đây hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân. Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng nhìn nhận, Khu CNTT Đà Nẵng sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu mặt bằng hoạt động mà nhiều doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố đang gặp phải; đồng thời góp phần thu hút đầu tư lĩnh vực CNTT, công nghệ cao vào thành phố.

Nguồn: baodanang.vn