Tin tức

KHỞI SẮC TỪ DU LỊCH NÚI THÀNH

  Thứ tư, 09/10/2019

Thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các cấp, các ngành trong toàn huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Cùng với việc đổi mới công tác quản lý Nhà nước về du lịch, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Núi Thành tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về phát triển du lịch đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương với du khách bốn phương. Bên cạnh đó, huyện Núi Thành tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các khu vực có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Cụ thể tại Biển Rạn – khu bãi tắm nổi tiếng có nhiều đặc sản biển ngon và lạ, huyện Núi Thành đã đầu tư 4,5 tỷ đồng để xây dựng nhà điều hành, trạm quan sát, khu tắm nước ngọt, bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng và thành lập Ban quản lý, đội cứu nạn cứu hộ; khu du lịch sinh thái hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây) đã được đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, bãi để xe, nhà vệ sinh, bia danh thắng…; tại khu di tích Chùa Hang (xã Tam Nghĩa), huyện cũng đã đầu tư 980 triệu đồng xây dựng nhà bia di tích và kè chắn đất; khu Nghĩa địa Cá Ông (xã đảo Tam Hải) cũng được đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; di tích lịch sử đình Xuân Mỹ Đông (xã Tam Hòa) được đầu tư 1,5 tỷ đồng; di tích đình Khương Hội (xã Tam Hiệp): 2,6 tỷ đồng để phục dựng công trình và cảnh quan. Huyện Núi Thành cũng đã dựng các bia di tích, đầu tư xây dựng công viên cây xanh trên diện tích 9ha với tổng kinh phí 63 tỷ đồng…

Là địa phương nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Nam, Núi Thành có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa, do vậy, ngoài các điểm du lịch do huyện đầu tư, còn có nhiều dự án lớn được tỉnh cùng các doanh nghiệp thực hiện. Trong số đó có Khu du lịch sinh thái biển Cát Vàng (xã Tam Tiến). Dự án này được đầu tư trên diện tích 22ha với 12 villa có bể bơi riêng biệt, 361 phòng, 3 nhà hàng, phòng tập thể dục và spa tiện ích. UBND tỉnh cũng đã quyết định chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1) với tổng mức đầu tư 12,6 tỷ đồng; dự án tu bổ, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công và đường vào di tích (xã Tam Xuân 1) với 76 tỷ đồng…

Những năm gần đây, hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện Núi Thành cũng bắt đầu được đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại, trong đó có khách sạn Thắng Lợi (xã Tam Hiệp) được đầu tư kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng; khách sạn Trùng Dương, Hoàng Việt (xã Tam Quang) được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí 5 tỷ đồng cho mỗi khách sạn; tại khu tái định cư khối 3 thị trấn Núi Thành đang xây dựng khách sạn 7 tầng với kinh phí 21 tỷ đồng… Ông Phạm Văn Nên – Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành cho biết: “Thực hiện đề án phát triển du lịch, chúng tôi có nhiều cố gắng triển khai đồng bộ các nội dung, trong đó quan tâm đến công tác xã hội hóa tại các điểm du lịch, xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Cùng với việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; cải thiện môi trường du lịch…”.

Thực tế cho thấy, qua hai năm thực hiện đề án phát triển du lịch, các điểm du lịch ở Núi Thành từng bước bổ sung và hoàn thiện các sản phẩm: du lịch Làng Tranh (xã đảo Tam Hải), du lịch biển (Biển Rạn – Tam Quang, Bãi Rạn – Tam Tiến, Bàn Than, Bãi Bắc – Tam Hải); du lịch sinh thái (Hố Giang Thơm, Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa, suối Nà Nghệ…); du lịch nhân văn: các di tích lịch sử – văn hóa như Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công… Bên cạnh đó, Núi Thành còn có những sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa phi vật thể như hát bả trạo, lễ hội cầu ngư, lễ cầu mùa, hội đua thuyền, lắc thúng… Bước đầu, địa phương đã xã hội hóa các dịch vụ cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch. Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Qua nửa chặng đường thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch địa phương có nhiều khởi sắc. Từ năm 2016 đến năm 2018, lượng khách du lịch đến Núi Thành tăng lên đáng kể, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân tại các điểm du lịch. Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu đề án; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ phục vụ du khách; quy hoạch định hướng một số điểm, không gian du lịch cụ thể có điểm nhấn trên địa bàn, đồng thời có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư đóng góp và huy động nguồn lực trong xã hội phát triển ngành du lịch huyện Núi Thành…

Những tin liên quan