Dự án

Cần phải lưu ý gì khi kiểm tra sổ đỏ, sổ hồng nhà đất???

1. Chủ sở hữu: có thể là cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức sử dụng đất. Chủ sở hữu là người có các quyền và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất nên khi tham gia các giao dịch thì bắt buộc chủ sở hữu phải trực tiếp tham gia hoặc phải có ủy quyền hợp pháp cho người khác.

2. Các thông tin về thửa đất: như vị trí, số thửa, số tờ bản đồ được ghi theo số hiệu của thửa đất trên bản đồ địa chính. Địa chỉ thửa đất sẽ phải bao gồm tên khu vực, số nhà, tên đường phố (nếu có), tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nơi có thửa đất. Những thông tin này sẽ hỗ trợ để chúng ta có thể tra cứu thêm các thông tin khác về thửa đất.

3. Diện tích thửa đất, diện tích nhà ở trên đất: được làm tròn đến một chữ số thập phân. 

4. Hình thức sở hữu: có thể là sử dụng chung hoặc sử dụng riêng. Ví dụ như phần ngõ đi chung thuộc quyền sử dụng chung của nhiều hộ gia đình thì trên sổ phần này sẽ được ghi là “Sử dụng chung”.

5. Thời hạn sử dụng: 

-Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi "Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/... (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)".
-Trường hợp thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi "Lâu dài". 

6. Nguồn gốc đất: có thể là do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền một lần, trả tiền hằng năm hoặc do Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất,...

-Nguồn gốc của đất có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất. Đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm sẽ không được Nhà nước bồi thường về đất khi thu hồi đất.

7. Phân biệt sổ thật và sổ giả:

-Kiểm tra bằng kính lúp: Sổ hồng thật có các họa tiết, hoa văn màu hồng được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng, giấy chứng nhận giả thì không
-Dùng đèn pin: Chiếu xiên một góc 10–20 độ với mặt giấy tại vị trí có hình dấu ở góc dưới bên phải của mặt trước của sổ để kiểm tra phần dấu nổi. Nếu là sổ thật thì phần dấu nổi có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, còn sổ giả dấu lõm và không rõ nội dung
-Kiểm tra số seri hay mã vạch in tại cuối trang 4 sổ hồng: Mã vạch có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST. Trong đó MX là mã xã (phường) cấp GCN; MN là mã năm cấp GCN; ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai; tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
-Kiểm tra tại cơ quan có thẩm quyền: nếu có thể, bạn hãy mang sổ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên và môi trường hoặc các phòng công chứng để kiểm tra chắc chắn đây là sổ thật.

Việc xem và hiểu được đầy đủ ý nghĩa của các thông tin trên Giấy chứng nhận sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị của thửa đất để từ đó quyết định có tham gia giao dịch mua bán đất hay không, tránh những rủi ro, tranh chấp không đáng có.